Kỷ lục Guinness gia Nguyễn Khắc Hưng được vinh danh tại Hiệp hội những người lao động sáng tạo Việt Nam
Điều ngạc nhiên hơn cả là Khắc Hưng là một em nhỏ bị tự kỷ nặng.
Nghệ sĩ biểu diễn “đặc biệt”
Nguyễn Khắc Hưng lập kỷ lục Guinness bởi kỳ tích đứng thăng bằng trên bóng, đội bóng trên đầu, tung hứng 3 bóng trong thời gian lâu nhất (35 phút 9 giây). Kỷ lục đó được thực hiện vào ngày 21.6.2023.
Trên trang web của Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới đưa tin: Tài năng độc đáo của Khắc Hưng được phát hiện khi em lên 9 tuổi. Vào thời điểm đó, Khắc Hưng đang học tại một trung tâm huấn luyện trẻ tự kỷ. Hằng ngày, các giáo viên, huấn luyện viên khuyến khích các em nhỏ tung hứng bóng như là một phương pháp để cải thiện kỹ năng thăng bằng và giúp các em kiểm soát năng lượng, hành vi. Khắc Hưng bắt đầu việc luyện tập bằng tung hứng 3 bóng và dần dần tăng độ khó với việc tung hứng cùng lúc nhiều bóng hơn trong lúc đứng thăng bằng trên các vật khác nhau, như tấm ván đặt trên con lăn hoặc bóng y tế... Khắc Hưng được trải nghiệm sự thích thú khi luyện tập các kỹ năng đặc biệt như một diễn viên xiếc. Bên cạnh đó, những người được xem Hưng biểu diễn cũng được truyền cảm hứng tích cực để vượt qua những rào cản, trở ngại trong cuộc sống. Hưng có cách đặc biệt để truyền động lực mạnh mẽ cho cả trẻ em và người lớn…
Việc được nhận danh hiệu Lập kỷ lục Guinness Thế giới là một sự kiện đáng tự hào cho Hưng và gia đình em. Điều này gửi thông điệp tới cộng đồng, rằng bất cứ ai cũng đều đặc biệt theo cách của riêng mình và những đứa trẻ tự kỷ cũng có thể trở thành nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp.
Nói về em Nguyễn Khắc Hưng, NSND Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam cho biết: “Tôi biết Hưng từ năm 2018. Lúc đó, tôi đến với em để hướng dẫn em tập kỹ năng xiếc đứng thăng bằng trên con lăn. Lúc đấy tôi cũng nghi ngại lắm, bởi biết Hưng bị tự kỷ. Bất ngờ là một thời gian sau, Hưng phát triển tốt không thể tưởng tượng được. Nay Hưng được tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận, quả là một vinh dự quá lớn. Điều đáng quý nhất là Hưng luôn muốn học, muốn vượt qua số phận mình”.
Nguyễn Khắc Hưng biểu diễn ghi ta trong lúc thăng bằng trên xe đạp một bánh và đội bóng trên đầu
Nguồn cảm hứng cho cả cộng đồng
Nguyễn Khắc Hưng có hoàn cảnh đặc biệt, phải xa mẹ từ năm 2 tuổi, bố đã qua đời do bệnh trọng. Trước đó, gia đình đã đưa Hưng đi chạy chữa nhiều nơi. Hưng không phá phách nhưng chỉ ở một góc, bởi em bị chứng rối loạn trầm cảm. Em cũng không nói bình thường được, mà chỉ nhắc lại lời nói của người khác. Đặc điểm của Hưng là luôn tập hết mình, gan lỳ kỳ công. Em không có năng khiếu gì cả, chỉ tập luyện liên tục và nhiều lần trong ngày.
Phát biểu cảm nghĩ về sự kiện vui mừng này, ông Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: “Người bình thường mà lập kỷ lục Guinness thế giới đã vui lắm rồi, nay cháu Nguyễn Khắc Hưng là trẻ tự kỷ cấp độ 3, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn mà được danh hiệu này, thì niềm vui và tự hào càng tăng lên bội phần. Được các chuyên gia, các thầy chăm dưỡng, huấn luyện đặc biệt, Hưng đã có những tiến bộ đáng mừng, đặc biệt là tự tin biểu diễn xiếc, năng lực vượt trội hơn cả người thường trong kỹ năng này. Điều đó cho thấy, tiềm ẩn trong trẻ tự kỷ là những năng lực phi thường, nếu ta biết khơi dậy năng lực đó bằng tình yêu thương, dạy dỗ huấn luyện kiên trì, thì các cháu sẽ đạt thành tích kỳ diệu! Tôi đã được chứng kiến tận mắt việc cháu Hưng có khả năng giữ một quả bóng tennis trên đầu, hai chân đạp xe một bánh hoặc đứng trên tấm ván đặt trên con lăn, hay đứng trên quả cầu tung hứng cùng lúc 5 bóng và chơi ghi ta khá điệu nghệ...”.
Thành công của Khắc Hưng đặc biệt quan trọng trong việc phá vỡ các định kiến và hiểu lầm về tự kỷ. Khắc Hưng đã chứng minh rằng, dù có những thách thức riêng, người tự kỷ vẫn có thể đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Thành công của em cũng là nguồn cảm hứng cho cả cộng đồng. Em đã mở ra một cánh cửa mới cho những người tự kỷ, chứng minh rằng họ cũng có thể đóng góp cho xã hội một cách có ý nghĩa. Điều này thúc đẩy sự đánh giá lại về cách thức mà xã hội, trường học và các tổ chức khác tiếp cận và hỗ trợ người tự kỷ.
KIỀU BÍCH HẬU
Nguồn (Báo Văn Hóa): Câu chuyện truyền cảm hứng từ một trẻ tự kỷ (baovanhoa.vn)