Đào tạo doanh nghiệp Hoa nhap cong dong Teambuiding teamwork

Những người thầy "tâm trong, lòng sáng"

Ngày 21 Tháng 5, 2019
 

Cũng làm nghề giáo, nhưng mấy ai hiểu được những đặc thù khi là một giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Đến cách để tiếp cận với các em cũng là một nghệ thuật.

 

 

Không có chung xuất phát điểm như nhau, thầy cô tại Tâm Việt mỗi người lại đến với nghề với những cái duyên kì lạ. Người thì là sinh viên tình nguyện, người lại chính là học viên tại nơi này.

Thầy Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ cơ duyên với nghề: “Lý do mà mình đến đây trực tiếp không phải vì các con, mình đến vì tin thầy. Sau này được thầy cho đào tạo các bạn VIP mình mới ngộ ra một điều, giúp các bạn trở thành những người xuất sắc thì mình cũng trở thành những người xuất sắc.”

Cô Chu Ngọc Quỳnh: “Mình là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Cơ duyên tình cờ, từ năm 2 mình đã rất thích can thiệp cho trẻ em yếu thế.”

Thầy Hoàng Văn Tiến: “Tôi được đưa vào Tâm Việt vì trầm cảm, chữa trị các nơi không khỏi. Một tháng chữa trầm cảm, bốn tháng còn lại đi làm giáo viên. Lúc đầu cũng bất ngờ vì tự nhiên ông bảo tháng này được nhận lương mà bình thường thì toàn bố mẹ đóng tiền thôi, giờ lại mang tiền về cho bố mẹ.”

Truyền hình thực tế - Những người thầy 'tâm trong, lòng sáng'

Mỗi em học sinh lại mang những đặc điểm khác nhau

Theo cô Chu Ngọc Quỳnh: “Lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn vì mình chưa tiếp xúc với những em này bao giờ. Thứ hai, khi lần đầu tiếp xúc cần một thời gian rất dài, vì mỗi em có một đặc điểm khác nhau nên cách tiếp cận với các em cũng khác. Mỗi lần mình nhận một em nào đó để dạy thì mình đều phải quan sát, làm quen, tạo thiện cảm với các em thì các em mới cho mình tiếp cận.”

Thầy Hoàng Mạnh Tiến: “Nghề có nhiều thứ khó, vì phải tiếp cận với nhiều học sinh khác nhau, nhiều con người khác nhau. Các em ở đây càng khó hơn vì các em không tập trung được. Khả năng giao tiếp của mỗi em lại khác, có em không nói được, có em chỉ giao tiếp bằng cử chỉ.”

Thầy Nguyễn Văn Mạnh: “Có những đêm mình không ngủ, có những bữa cơm mình không kịp ăn. Có những lúc vừa cầm đũa lên thôi có bạn lại la hét, có bạn thì chọc, quậy không cho mình ăn.”

Cô Chu Ngọc Quỳnh: “Khi các bạn lên cơn, có những bạn còn tự tay đánh vào đầu mình. Hay còn có những bạn đánh vào mặt mình, nhìn rất thương.”

Công việc vất vả thường xuyên không ngưng nghỉ, những thương tích, bữa cơm, giấc ngủ dở dang trở thành một đặc sản của nghề này, các thầy cô ở đây chẳng ai là có hè. Vì đặc trưng của các bé là rất chóng quên. Trong khi dạy được cho trẻ những kỹ năng rất đơn giản thôi cũng đã mất rất nhiều thời gian và công sức của cả thầy cô lẫn trò. Ở nơi đây, mỗi tiến bộ tưởng như là điều bình thường nhưng với đứa trẻ không bình thường lại là cả một niềm hạnh phúc lớn lao.

Cũng làm nghề giáo, nhưng mấy ai hiểu được những đặc thù khi là một giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Đến cách để tiếp cận với các em cũng là một nghệ thuật. Nhưng thầy cô ở đây, chưa bao giờ nản lòng. Dù cho không phải ai cũng bắt đầu vì các em, nhưng tất cả đều vì tình cảm với các em mà ở lại.

Truyền hình thực tế - Những người thầy 'tâm trong, lòng sáng' (Hình 2).

 

Nghĩ về những khó khăn trong nghề, thầy Mạnh cũng chia sẻ: “Có một câu chuyện rất hay, khi mà mình đã làm công việc này được 2 năm thì bạn bè mình hay hỏi là bạn đang làm nghề gì?  Mình cũng rất tự tin nói là đang huấn luyện trẻ tự kỷ. Thì các bạn cũng hỏi là làm thầy giáo à, sao không thấy giống cái phong cách của thầy giáo, không đi giày, mặc những bộ quần áo tươm tất, lên lớp đúng giờ. Mình cũng bảo, mình muốn trở thành người thầy giáo đặc biệt, thì mình phải dạy những đứa trẻ đặc biệt, những thầy cô giáo kia có thể dạy 8 tiếng nhưng mình dạy 24/24”.

Cô Chu Ngọc Quỳnh: “Đặc thù của một giáo viên dạy trẻ tự kỷ là mình phải có sự kiên tâm. Từ những lúc chăm sóc, tập luyện cho các bạn, rèn luyện những thói quen hàng ngày để cho các bạn có những thói quen trong sinh hoạt là cả một sự dày công của thầy cô giáo tại Tâm Việt”.

Thầy Hoàng Mạnh Tiến: “Tôi vẫn muốn thành một thầy giáo dạy trẻ tự kỷ. Và muốn giúp những người bị trầm cảm giống tôi, muốn giúp họ để họ biết cuộc sống của họ vẫn còn ý nghĩa, và họ không cô độc, không vô dụng, cho họ biết mình có giá trị như thế nào.”

Cô Chu Ngọc Quỳnh nghẹn ngùi: “Những lúc thấy các bạn tiến bộ, thấy các bạn cười, vui vẻ là những lúc bọn mình tự nhủ với bản thân phải cố gắng hơn nữa. Bọn mình cố gắng để các bạn trở thành những người đặc biệt, thay đổi trở thành những người đáng được ngưỡng mộ, và người ta phải ngưỡng mộ các bạn. Mỗi bạn ở đây mà đạt được thành quả gì đấy thì mỗi thầy cô đều cảm thấy hạnh phúc. Chính những thành công đấy lại trở thành động lực để những thầy cô như mình ngày ngày tiến bộ, ngày ngày xuất sắc hơn để dạy các bạn xuất sắc lên từng ngày.”

Thay vì đưa các em về với cuộc sống thường ngày thì ở Tâm Việt lại tạo một môi trường cho những em tự kỷ khi đã hồi phục. Bằng cách tìm hiểu thật kỹ xem khả năng các em ở đâu, giúp các em phát huy năng lực ấy. Tại đây, có những em đã đạt được chứng nhận kỷ lục Châu Á.

Truyền hình thực tế - Những người thầy 'tâm trong, lòng sáng' (Hình 3).

Nguyễn Khôi Nguyên - Kỷ lục gia xiếc nhí Việt Nam

Trao đổi với thầy Phan Quốc Việt - Người sáng lập Tâm Việt Group: “Cần phải nói giáo viên dạy trẻ tự kỷ là nghề khó khăn. Vì các bạn là tăng động, giảm tập trung, giảm trí nhớ, từ đó lơ đà không tập trung.

Một số bạn còn có những hành động kỳ quặc lặp đi lặp lại, như ném đồ vật, đập phá đồ, thậm chí còn có em đánh người khác và tự đánh mình. Có bạn lao đầu vào tường, còn có bạn cầm ván đánh người khác.

Tất cả ứng xử đều là đường truyền trong đầu và môi trường. Nếu dạy đến 4-5 giờ chiều cho về, thì ở nhà là môi trường khác thì sẽ quay lại thói quen cũ, coi như bằng không.

Những hành động như cáu gắt, sẽ tiết rất nhiều chất độc, nên cần giảm cáu gắt, giảm những cơn động kinh đi. Bình thường là dùng trí tác động lên thể, nhưng các bạn nhận thức kém nên cần phải dùng thể tác động lên trí.

Con người ta có não phải não trái, chúng tôi cho tung bóng, rồi đứng thăng bằng trên con lăn, dần dần đội chai rồi đi xe đạp một bánh. Điều này có ý nghĩa dùng tay chân tác động ngược để tạo đường truyền.

Mình phải định nghĩa đây là nghề đặc biệt, phải rất yêu thương và kỷ cương mới làm được.”

Khi được hỏi về việc có mong muốn được báo đáp hay không, thầy cô tại Tâm Việt đều có chung một câu trả lời: “Báo đáp ở đây là các con giỏi, và sau này nó về nó bảo ông ơi con được bằng này, ông ơi con biểu diễn chỗ này về, ông ơi hôm nay con cưới vợ...Báo đáp chỉ cần thế thôi.”

Truyền hình thực tế - Những người thầy 'tâm trong, lòng sáng' (Hình 4).
Các thầy cô đều vì tình cảm với các em mà ở lại

Có nhiều người đặt câu hỏi vì sao cho những người thầy, người cô nơi đây. Nhưng lý do nhận lại, cũng chỉ vì một tiếng “thương”. Chỉ có thương, mới đủ sức mạnh để thầy cô chịu đựng những cái cắn, cào,.. đủ để chăm sóc các em dù phải hi sinh từng giấc ngủ, và kiên tâm chờ các em tiến bộ hàng ngày.

Kiên tâm - là kiên trì và tâm huyết. Với thương và cái tâm của người làm nghề, thầy cô giáo dạy trẻ tự kỷ luôn biết cách biến cái không tưởng thành điều bình thường.

Thầy Hoàng Mạnh Tiến: “Mỗi một đứa trẻ ở đây giống như một cuốn sách mà tìm hiểu mãi cũng không hết được. Nhiều khi các bạn còn dạy cho mình, ở đây không biết ai là thầy ai là trò. Vậy nên muốn ở đây để học thêm nhiều điều nữa. Khi làm mà thấy các con tiến bộ, các con bớt lại những cơn cáu, điên là mình cảm thấy vui sướng rồi, chứ không cần báo đáp.”

Truyền hình thực tế - Những người thầy 'tâm trong, lòng sáng' (Hình 5).
Những nụ cười thiên thần là điều níu giữ các thầy cô ở lại với nghề dù nhiều khó khăn

Cô Chu Ngọc Quỳnh: “Mỗi thầy, cô giáo tại Tâm Việt khi làm ở đây đều không đặt nặng về lương. Vì đều phải có một cái tâm mới làm được giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Và phải kiên tâm mới có thể giúp được những em hoà nhập được với cộng đồng. Bọn mình coi nghề này như một sứ mệnh, và bọn mình là người theo đuổi sứ mệnh. Điều đấy làm cho bọn mình nghĩ đến tương lai của những đứa trẻ ở đây nhiều hơn là về lương.

Điều mà níu giữ mình là nụ cười của các bạn, có những bạn ở đây ở nhà các bạn khóc hoài, khóc cả ngày, có những bạn lên cơn tự đánh mình. Nhưng khi các bạn ý cười thì rất giống thiên thần.”

Nuôi dạy một đứa trẻ bình thường đã rất vất vả, nuôi dạy trẻ tự kỷ còn khó khăn, vất vả hơn gấp trăm lần. Nuôi dạy trẻ tự kỷ cần lắm sự bao dung, yêu thương và kiên trì của những người xung quanh…