Đào tạo doanh nghiệp Hoa nhap cong dong Teambuiding teamwork

Khúc hòa nhạc thăng trầm của Tuấn Minh

Ngày 20 Tháng 5, 2019
Ngồi quây quần bên các em sau giờ ăn nhẹ, chị Quỳnh - giáo viên lớp học trẻ tự kỷ nói về Minh trong niềm tự hào: “Tuấn Minh là một học sinh rất tuyệt vời, em mang trong mình những tài năng thiên bẩm và là động lực truyền cảm hứng cho tất cả mọi người”.
 Ngồi quây quần bên các em sau giờ ăn nhẹ, chị Quỳnh – giáo viên lớp học trẻ tự kỷ nói về Minh trong niềm tự hào: “Tuấn Minh là một học sinh rất tuyệt vời, em mang trong mình những tài năng thiên bẩm và là động lực truyền cảm hứng cho tất cả mọi người”.

 “ Em tên là gì ?…”

Giữa khoảng không bao la, một giai điệu vang lên trong những tiếng vỗ tay to dần đều của bọn trẻ khiến tôi hiếu kỳ và tiến lại gần. Bủa vây giữa đám đông là một cậu bé cao dong dỏng chừng 1m8, khuôn mặt thư sinh, hiền lành đang phiêu theo điệu nhạc. Tôi bất giác, đứng ngây người một lúc lâu trước tiếng hát trong sáng và giàu cảm xúc đến lạ.

Quỳnh – giáo viên ở trung tâm tiến lại gần và nói nhỏ với tôi, cậu bé đang hát kia chính là Tuấn Minh, người mà tôi đang tìm gặp. Khác xa với sự tưởng tượng của tôi trước kia về trẻ tự kỷ, ở Minh có một sự điềm tĩnh, chững chạc khiến người đối diện bất ngờ.

1t

Tuấn Minh (ở giữa) đang thể hiện ca khúc Maps cùng với phần phù họa ngẫu hứng của các em trong trung tâm .

Thấy có người đến, em cúi đầu lễ phép, hai tay khoanh trước ngực, mỉm cười  thay lời chào lịch sự. Cũng như phần lớn những trẻ mắc chứng tự kỉ khác, khả năng giao tiếp của Tuấn Minh khá hạn chế. Thay vào đó, Tuấn Minh lại có một phương thức giao lưu với thế giới bên ngoài vô cùng đặc biệt đó là tiếng đàn và lời ca.

Lần đầu khi tiếp xúc với Tuấn Minh, tôi đặt cho cho cậu bé một câu hỏi thay cho lời chào “ Em có thể cho chị biết em tên là gì được không?”. Thoạt tiên Tuấn Minh ngây người, bờ môi lắp bắp xem chừng bối rối lắm. Thông qua sự giải thích của cô Quỳnh, tôi mới hay biết rằng, cách giao tiếp hiệu quả với trẻ tự kỷ là nói thật chậm, thật ngắn gọn, tập trung vào thông tin câu hỏi. Ngay sau đó, câu hỏi của tôi trở nên ngắn gọn hơn bao giờ hết “ Em tên gì?” – chữ “tên” được tôi phát âm thật to và rõ ràng.

Và lần này, quả nhiên Tuấn Minh đã có thể đáp lại lời tôi một cách thuận lợi “ Con tên Tuấn Minh”. Cả quá trình trò chuyện của tôi và cậu bé sau đó đều được diễn đạt bằng những câu hết sức ngắn gọn và dễ hiểu. Kì lạ ở điểm,mặc dù Minh không hề sử dụng những tính từ, động từ phong phú thế nhưng chính ngôn từ giản đơn đến có phần “túng thiếu” ấy lại đem đến cho tôi những cảm xúc nguyên sơ, nhiệt thành nhất.

i.jpg

Giữ thăng bằng trên xe đạp một bánh là bài tập hàng ngày không thể thiếu của Minh.

Cuộc sống của Minh  – “thiên tài âm nhạc” của trung tâm trẻ tự kỷ Tâm Việt bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng hàng ngày với những bài tập đi xe đạp một bánh, tung hứng bóng, giữ thăng bằng trên ván gỗ. Những động tác khó mà không phải bất cứ một người bình thường nào cũng có thể thực hiện được đã được những đứa trẻ từng bị người khác coi là “bại não, đồ điên” biểu diễn một cách điệu nghệ.

Thầy Tiến, người mà tất cả những đứa trẻ ở đây đều gọi là bố rất đỗi tự hào khi nói về Tuấn Minh bởi em là người con rất ngoan, lễ phép và luôn giúp đỡ mọi người. Khác so với trường học thông thường, ở đây thành tích, kết quả không phải là điều quan trọng nhất mà là tiếng cười, hạnh phúc của con trẻ.

Bảy giờ tối mỗi ngày là khoảng thời gian được Minh mong chờ nhất. Vì đó là lúc thông qua tiếng đàn của mình, Minh “ giao tiếp” với thế giới rộng lớn bên ngoài. Từng ngón tay thon dài múa lượn trên những phím đàn đen trắng tạo ra những âm thanh đong đầy cảm xúc. Lặng nghe tiếng đàn của Minh, tôi như lạc bước vào khu vườn đầy màu sắc mà Minh cất giấu sau âm nhạc. Em thích chơi nhạc cổ điển, nhất là bản Fur Elisa của Beethoven. Dường như giữa muôn trùng sóng gió, em tìm thấy mình ở một thế giới mới, nơi có an nhiên, hạnh phúc trước những bão tố của cuộc đời.

4

Nếu việc di chuyển trên con lăn, xe đạp một bánh giúp em điều hòa tâm lý, cân bằng hành vi thì Organ giúp em tô điểm thêm cho cuộc sống thêm sắc màu thi vị. Giữa không gian rộng lớn, sau cánh cửa, sau phím đàn một hình ảnh hiếm có, một Tuấn Minh nhút nhát, e dè dường như đã biến mất và nhường chỗ cho một nghệ sỹ thực thụ. Chỉ có âm nhạc và âm nhạc.

Kết thúc bản nhạc, Minh ngồi lặng lẽ cúi đầu, “Em nhớ bố mẹ” – Minh thủ thỉ nói với tôi, một người xa lạ luôn hỏi em nhiều điều. Phía xa xăm, ánh điện hắt ra từ căn phòng nhỏ, một đội quân nối dài bỗng chợt dừng lại, lặng thinh chăm chú lắng theo tiếng đàn, thứ âm thanh mê hồn ở một nơi đặc biệt.

Khoảng ký ức giàu xúc cảm…

Mỗi đứa trẻ sinh ra và lớn lên theo cách đặc biệt. Không cuộc sống nào có phiên bản y hệt, không quy luật nào đúng với mọi đối tượng. Tốc độ ghi nhớ vượt trội, sở hữu năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, tinh tế và đầy xúc cảm khi quan tâm đến cha mẹ…. Có lẽ không ai tưởng tượng rằng những câu từ này đang nói về một cậu bé tự kỷ – Tuấn Minh.

Chúng tối lần theo địa chỉ có được từ cuộc trò chuyện với bố mẹ em qua điện thoại. Căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ phố Hàng Bột nhưng sáng sủa và ấm áp. Chiếc đàn organ mới đặt ngay ngắn, gọc gàng, đỡ lấy những bản nhạc xinh xắn đang lật giở trước gió quạt. Cô Hồng – mẹ Minh, đã chu đáo chuẩn bị lọ hoa hồng đỏ tươi trên bàn khách. Trong buổi tối mùa thu Hà Nội, cảm giác nhìn ngắm những cách hồng nhung, thưởng thức vài lát ô mai và những trái ổi găng xanh nõn, giòn ngọt thật bình yên, êm ái đến lạ thường, ngay cả với những ai vừa ghé qua lần đầu. Tôi bất chợt nhớ đến Minh và loài hoa em gọi tên tiếng Anh “Rose” trong khi gặp em ở Tâm Việt.

41632366_327001428069010_5809497168297328640_n

Cô Hồng (mẹ Tuấn Minh) xúc động kể lại quãng thời gian phát hiện ra căn bệnh của con.

Những triệu chứng của căn bệnh bất thường được phát hiện khi Tuấn Minh mới lên ba. Chú Nguyễn Tiến Đạt – bố của Tuấn Minh, dẫn em đến thăm một người bạn tại cơ quan làm việc ở Đại học Y khoa (nay là ĐH Y Hà Nội). Tình cờ chứng kiến những biểu hiện lạ lùng, hành động khó kiểm soát của Minh, người bạn của chú Đạt đã nhận ra vấn đề. Cậu bé được bố đưa đi khám, và kết quả không mong đợi lại trở thành sự thật: em bị mắc chứng tự kỷ, không thể phát bình thường.

Đến lúc này, gia đình Minh mới nhớ lại những lần em vô ý xoay tròn, hất tung mâm cơm, đĩa, bát khi cả nhà còn đang dùng bữa. Bố mẹ Tuấn Minh bắt đầu hành trình chạy chữa căn bệnh, tìm lại sự “bình thường” cho con trai út. Ba tuổi, Minh đã ngày ngày phải đối diện với những lần châm cứu đầy ám ảnh. Em run sợ khi thấy những mũi kim châm quen thuộc. Nước mắt Minh rơi, máu từ đầu chảy xuống, mồ hôi đầm đìa toát ra, thấm đẫm ướt gối. Đội ngũ y tá vẫn còn ám ảnh về cậu bé Minh ngày đó, về chiếc gối trắng bị nhuộm ướt bởi màu máu đỏ, mồ hôi, nước mắt của một cậu bé đang gào khóc đầy đau đớn, đến mức họ buộc phải dừng phương pháp này, hướng gia đình Minh đi theo lộ trình khác. Cô Phương Hồng – người mẹ của em chỉ lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong. Người mẹ đó ở trường mầm non vốn là cô giáo của bao đứa trẻ, nhưng lại chỉ biết bất lực nhìn con trai nhỏ của mình phải gồng mình và chiến đấu “ngầm” với hội chứng bệnh quái ác.

Tuấn Minh uống thuốc lá nam, được điều trị theo phương pháp châm cứu hiện đại và bấm huyệt trong hai năm sau đó. Tuy nhiên, những năm tháng cắp sách đến trường của Tuấn Minh không hề bằng phẳng. Công việc bảo vệ của bố, giáo viên mầm non của mẹ phải điều chỉnh khung thời gian phù hợp nhất. Một người bảo vệ cao tuổi, vẫn xin làm ca tối đêm, để ban ngày đèo con trai nhỏ qua những con phố, đến nơi chữa trị và chơi với con cả ngày. Một cô giáo mầm non, hằng ngày cần mẫn dạy dỗ hàng chục, hàng trăm trẻ em. Tối về, người mẹ ấy lại làm cô giáo duy nhất của con trai mình – vẫn lặng lẽ, kiên trì và song hành cùng Tuấn Minh vượt qua những khó khăn đầu tiên trong đời.

k.jpg

Ngoài tình yêu với âm nhạc minh còn đam mê với bóng tung.

Thoạt đầu, phần lớn bạn bè đều biết tình trạng và hoàn cảnh của Minh, thương cảm và hỗ trợ cậu bạn bé nhỏ, có khuôn mặt thư sinh. Nhưng năm Minh học lớp 2, bố mẹ em đã vô tình chứng kiến một cô bé cùng lớp con trai mình hồn nhiên nói lớn: “Tuấn Minh bị dở hơi”. Bao nhiêu uất nghẹn trong lòng người mẹ như chỉ chờ thế để trực trào tuôn ra. Tuy nhiên, mẹ Minh bình tĩnh đưa ra vài phép tính đơn giản 3+3, 3×3. Cô bé kia nín lặng, còn Minh lại vanh vách trả lời chính xác trước ánh mắt ngạc nhiên của các phụ huynh khác.

Tuấn Minh có trí nhớ đáng ngưỡng mộ. Đặc biệt hơn, những điều em lắng nghe và thấu hiểu hầu như đều xuất phát từ sự dạy bảo của bố mẹ, gia đình. Từ nhỏ, em nghịch ngợm, gõ những ngón tay lên tường hay cánh tủ nhưng rất có nhịp điệu. Đó có lẽ là “điềm báo” cho hiện tại ít ai ngờ tới: Minh chơi đàn organ thuần thục, đam mê việc được lướt ngón tay trên những phím đàn khi chơi bản Fur Elise (Thư gửi Elisa) của nhà soạn nhạc lừng danh Bét- tô- ven. Em học và biết nhiều bản khác, nhưng khi ai đó muốn nghe nhạc của em, thì em chỉ “đặc cách” chọn bản nhạc kinh điển đó.

Tuổi mười ba, mười bốn của em là những tháng ngày bố mẹ vẫn phải giúp đỡ việc vệ sinh cá nhân. Nhìn vết bầm tím trên cơ thể cậu con trai kém may mắn sau mỗi ngày đến lớp, gia đình Minh đã quyết tâm chuyển trường cho em. Tại nơi học mới, em gặp lại các bạn cũ, được bao bọc, chia sẻ và giúp đỡ để tiến bộ. Trong suốt quá trình dài đồng hành cùng con trai út, bố mẹ Tuấn Minh đã không ít lần phải bỏ dở công việc, đến trường đón về bất chợt vì em tự dung bật khóc, lăn lóc, giãy giụa dưới nền đất. Khói bụi, hơi nóng và sự đông đúc của dòng người giờ tan tầm như thể càng dội lên tâm trạng của người mẹ đang đau đáu suy nghĩ về đứa con đang gục đầu vào lưng mình.

Trong góc tối của sự buồn tủi, đôi lần mẹ Minh bật cười vì những điểm 9 môn lịch sử, lời khen của cô giáo về trí nhớ vượt trội của con trai mình. Em thuộc nhiều thơ ca, thích nghe ca dao, tục ngữ và tìm hiểu văn hóa xã hội qua màn hình nhỏ của tivi. Đôi khi, em sử dụng chúng trong cuộc sống hằng ngày, khiến người đối diện phải ngạc nhiên và bật cười thích thú. Nếu bạn nghĩ từng ấy thứ là quá nhiều tài năng cho một cậu bé tự kỷ, thì Minh lại tiếp tục làm người khác ngạc nhiên. Em đam mê tiếng Anh, tự học và thuộc lòng nhiều bài hát tiếng Anh qua sách vở cua cha mẹ và xem truyền hình mỗi ngày. Nhìn ánh mắt em lấp lánh, miệng không ngừng ngân nga ca khúc Maps của nhóm nhạc nổi tiếng thế giới Maroon 5, những ca từ ngọt ngào của bài Love Yourself của chàng ca sĩ trẻ Justin Beiber, mới hiểu em yêu thích và say mê với ngôn ngữ này thế nào.

Hành trình của Tuấn Minh đã từng khiến cha mẹ không thôi tự vấn: tương lai em sẽ học hành, phát triển tiếp như thế nào? Căn bệnh lạ lùng cứ đeo bám em mãi hay sao? May mắn đã gõ cửa đúng lúc em hoàn thành chương trình học ở THCS. Bước ngoặt lớn của Tuấn Minh đã xuất hiện – em gia nhập ngôi nhà Trung tâm Tâm Việt.

“Một người như mùa hạ, một người như mùa thu…”

Đến với trung tâm Tâm Việt điều chúng tôi được nghe nhiều nhất từ các thầy cô ở đây, đó là sự kiên tâm. Kiên định, cứng rắn trong cách giáo dục và chân thành, tận tâm nơi cách yêu thương. Ở đây không có thầy, cô mà chỉ có những người bố người mẹ thứ hai của các em. Điều đặc biệt của “ ngôi nhà dành cho trẻ tự kỷ này” nằm ở chỗ không tạo cho bọn trẻ cảm giác chúng khác biệt với mọi người. Ở đây, bọn trẻ không khác biệt chúng chỉ đặc biệt theo cách của mình mà thôi.

Kể về Tuấn Minh trong những ngày đầu tiên đến Tâm Việt, cô Dung – phó giám đốc của trung tâm không giấu nổi giọng nghẹn ngào: “ Khi đưa Tuấn Minh đến đây, mẹ của em gần như đã tuyệt vọng, em trầm lặng, không giao tiếp, không thể ăn đồ ăn nếu không bằm nhỏ. Từng ấy năm trời cả gia đình em chịu chấp nhận ăn chung cơm nhão và thịt bằm nhỏ với con trai của mình. Nhìn vào đôi mắt sáng của em, đến người ngoài như chúng tôi còn xót xa.”

Lời nói của cô Dung cứ văng vẳng bên tai khiến tôi không khỏi bối rối, bất ngờ. Một Tuấn Minh tự tin, rạng rỡ như ánh mặt trời, bản lĩnh biểu diễn trước hội trường hàng trăm người thì ra đã có những lúc cô độc, loay hoay tìm cách giao tiếp với thế giới này như thế.

Càng bất ngờ hơn nữa khi tôi được biết rằng đằng sau sự “ thay da đổi thịt” lớn lao đó của Tuấn Minh, ngoài nhờ tình yêu thương bao dung của cha mẹ, thầy cô trong trung tâm còn có “sự đồng hành” của Tony.

Tony tên thật là Võ Tuấn Anh, cũng là trẻ tự kỷ đang được chăm sóc tại trung tâm Tâm Việt. Khi tôi hỏi về người bạn thân của Tuấn Minh bọn trẻ ở đây đều nhiệt liệt đề cử cái tên Tony.

Nương theo sự chỉ dẫn tận tình của lũ trẻ, tôi tới tìm gặp Tony. Đón chào tôi là một “cậu nhóc” với mái tóc húi cua, khuôn mặt rạng rỡ, đôi mắt sáng tinh nghịch đang lúi húi trêu đùa một chú bướm nhỏ. Tôi lại gần, chào hỏi và đã chuẩn bị sẵn tinh thần “tác chiến trường kỳ” bởi đa phần những trẻ mắc hội chứng tự kỷ đều gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp.

Tuy nhiên, thật bất ngờ, cậu bé tươi cười rạng rỡ, chủ động chào hỏi rất dõng dạc và lễ phép “ Tony chào cô”. Cúi cuống nhìn bàn tay lấm lem bụi đất của em, tôi cười hỏi “ Tony đang làm gì thế?”.  “ Con đang bắt bướm tặng Tuấn Minh ạ!”. Tôi vờ như không hề quen biết Tuấn Minh, hỏi lại Tony: “ Tuấn Minh là ai vậy Tony.” Gần như không cần suy nghĩ Tony đáp lời: “ Tuấn Minh là bạn thân nhất của Tony.”

Khi hỏi về Tuấn Minh, mỗi người tại nơi đây đều trả lời tôi bằng những cụm từ khác nhau. Với các thầy cô, Tuấn Minh là đứa con ngoan ngoãn, tài năng, cẩn trọng. Với các bạn nhỏ khác thì Tuấn Minh là người anh cả hiền lành,giỏi giang, cẩn trọng, đáng tin tưởng. Chỉ riêng với Tony, Tuấn Minh là người bạn thân nhất.

Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong giao tiếp, thế nhưng Tony lại trả lời những câu hỏi của tôi về Tuấn Minh rất nhanh nhẹn, quyết đoán, trong giọng kể còn không nén nổi chút tự hào tinh nghịch. Miêu tả về Tuấn Minh, chẳng phải là những tính từ hoa mỹ, Tony tặng tôi chỉ ba chữ bộc lộ cảm xúc trực tiếp “ Tuấn Minh giỏi.”

e.jpg

Minh thường xuyên giúp các thầy cô ở trung tâm hướng dẫn các em nhỏ tập thể dục.

Vậy ra, kể cả với những đứa trẻ luôn bị không ít người coi là  bại não, thần kinh thì với chúng khi nói về người mà mình yêu thương cũng đong đầy tình cảm chân thành đến vậy.

Nhắc về đôi bạn đặc biệt trên cô Dung đã có những chia sẻ khiến tôi lặng người “ Tuấn Minh ban đầu rất trầm lặng, không chịu nói chuyện, Tony là bạn nhỏ đồng trang lứa đầu tiên mặc kệ Tuấn Minh có lầm lì thế nào cũng nhất quyết nói chuyện cùng. Điều này kể ra cũng rất đặc biệt vì trẻ tự kỷ vốn rất hiếm khi chủ động giao tiếp với người lạ bởi chúng luôn có cảm giác thiếu an toàn.”

Ngoảnh đầu về phía sân quần áo, trông thấy hình ảnh Tony và Tuấn Minh đang cùng phơi quần áo cho cả gia đình. Vừa làm việc Tony vẫn còn sôi nổi kể chuyện, Tuấn Minh dịu dàng nghiêng đầu lắng nghe, cảnh tượng ấm áp hệt như trong một gia đình chứ không phải là ở một trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ.

Khi nhắc đến người bạn thân thiết của mình, Tuấn Minh nhìn tôi với vẻ mặt bối rối, những ngón tay xinh đẹp từng lướt trên phím đàn vặn xoắn vào nhau, nhưng chỉ riêng đôi mắt là ngời sáng. Bờ môi run run, loay hoay cố diễn tả bằng lời, suy nghĩ có vẻ nung lắm nhưng cuối cùng em chỉ nói ra được một câu ngắn ngủi: “ Tony vui.”

22.jpg

Đôi bàn tay nắm chặt đi qua những giông tố của cuộc đời.

Tiếng vui ngọng nghịu, ngắn ngủi bật thốt thay cho ngàn lời muốn nói. Và khi ngôn ngữ không đủ để người ta nói lên tâm trạng của mình thì ta chỉ cần nhìn vào đôi mắt lấp lánh đong đầy cảm xúc.

Các thầy cô ở trung tâm Tâm Việt thường ví đôi bạn Tuấn Minh và Tony là một người như mùa hạ, một người như mùa thu.Tony ấm áp, sôi nổi như tia nắng ngày hè còn Tuấn Minh dịu dàng, trầm lắng mà thu hút như bầu trời thu. Nắng ngày hạ càng rực rỡ bao nhiêu thì bầu trời thu càng cao xanh bấy nhiêu.

Trước khi đến với Tâm Việt, thế giới này với Tuấn Minh còn nhiều bỡ ngỡ và sợ hãi thế nhưng giờ đây Tuấn Minh đã thật hạnh phúc với sự đặc biệt của mình. Hoàng hôn buông hắt những ánh tà dương, Tuấn Minh “đặc cách” đàn một bản nhạc như món quà chào tạm biệt chúng tôi. Những bước chân xa dần, nhưng tiếng đàn trong trẻo vẫn cứ ngân vang mãi.